Cách sắc thuốc

Cách Sắc Thuốc Nam

Các thang thuốc nam gồm nhiều dược liệu có cấu tạo và liều lượng khác nhau.

Vì vậy kỹ thuật sắc thuốc cũng phải khác nhau, với lượng nước và thời gian sắc phù hợp từng loại thuốc.
Để phát huy hiệu quả của thuốc, cần sắc thuốc theo kỹ thuật dưới đây:
- Dụng cụ sắc: Tốt nhất là siêu đất, cũng có thể sử dụng ấm nhôm có dung tích từ 1,5 - 2 lít.
- Nước sắc: Nước máy, nước mưa hoặc nước giếng đạt tiêu chuẩn về nước ăn
- Lửa: Đun sôi nhẹ nhàng và đều lửa trong một thời gian nhất định.
Khi sắc phải tuân theo những quy tắc:
- Sắc nhanh: Đổ nước vừa đủ ngập dược liệu, đun to lửa, cho sôi độ 10 phút. Chỉ sắc 1 lần. Cách sắc này thường áp dụng đối với những thang thuốc giải cảm, thuốc chứa tinh dầu.
- Sắc chậm: Sắc 2 lần, áp dụng cho các loại thuốc bổ.
Lần 1: Đổ nước ngập dược liệu (khoảng 600 ml) đun nhỏ lửa, giữ cho thuốc sôi đều, không trào ra ngoài, đến khi cạn còn 200 ml thì đổ ra bát, cho thêm nước sắc lần 2.
Lần 2: Đổ 400 ml nước, tiếp tục đun sôi âm ỉ cho tới khi còn 200 ml, đổ ra, trộn với nước sắc lần 1 để uống.
Chú ý:
- Những vị thuốc có tinh dầu như tía tô, hương nhu, sả... phải để riêng, đến khi thuốc gần được mới cho vào.
- Đối với các loại khoáng chất như thạch cao, thạch quyết minh, phải tán nhỏ mới sắc chung với thuốc.
- Các hóa chất, cao động vật dễ tan như a giao, cao ban long, cao hổ cốt... chỉ cho vào khuấy tan khi thuốc vừa sắc xong, rót ra bát.
- Các dược liệu quý hoặc không chịu được nhiệt độ cao như nhân sâm, quế, tam thất... nên hãm riêng rồi gạn lấy nước. Cũng có thể mài hay tán bột, trộn với nước sắc để uống.

Cách sắc thuốc bắc
Nên dùng nước sạch để sắc thuốc. Lượng nước cho vào tùy thuộc theo thang thuốc thuộc loại to hay nhỏ. Nguyên tắc chung là đổ ngập dược liệu 2 đốt ngón tay; những lần sắc sau cho ít nước hơn so với lần trước.
Theo Đông y, thuốc có công hiệu hay không một phần là do cách sắc. Danh y Hải Thượng Lãn Ông hướng dẫn cách sắc thuốc như sau: Cho thuốc vào nồi đất, dùng giấy bịt kín miệng, thuốc một lạng thì dùng nước tám lạng, để nhỏ lửa, lấy 4 phần nước. Thuốc trị bệnh phải sắc to lửa, lấy 8 phần. Dùng giấy lọc cho trong nước thuốc rồi mới uống; nếu để đục, sức thuốc không lưu hành. Với thuốc bổ, có thể tập trung bã thuốc của vài thang lại nấu lên mà uống thay nước…”.
Xét dưới góc độ khoa học, sắc thuốc là quá trình thủy phân chiết xuất hoạt chất dưới tác dụng của nhiệt độ. Để nâng cao hiệu quả sử dụng và tác dụng của thuốc, cần lưu ý một số vấn đề sau:

1. Ấm sắc: Nên dùng nồi đất, không dùng nồi sắt, đồng, nhôm… Nguyên do là dược liệu chứa rất nhiều tanin; nếu dùng ấm bằng kim loại, trong quá trình sắc thuốc, tanin sẽ kết hợp với kim loại tạo thành tanat sắt, tanat đồng, tanat nhôm…, làm biến đổi chất thuốc. Ngoài ra, việc dùng nồi nhôm để sắc các thang thuốc có các vị chua (như ngũ vị tử, sơn tra…) sẽ khiến nồng độ nhôm trong thuốc tăng cao, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ngày nay có nhiều loại ấm sắc thuốc dùng điện của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Có thể sử dụng các loại ấm trên, nhưng tốt nhất vẫn là nồi đất, ấm đất…

2. Cách sắc: Trước khi sắc, nên ngâm thuốc vào nước ấm hoặc nước lã ít nhất 30-60 phút. Việc này khiến thuốc có chất lượng tốt hơn, lại rút ngắn được thời gian sắc.

Nếu là thuốc bổ, nên sắc 3-4 lần, dùng lửa nhỏ, sắc lâu (mỗi lần 60-90 phút). Nếu là thuốc phát tán, công hạ, nên sắc 2-3 lần, dùng lửa to, sắc nhanh khoảng 10-30 phút.

3. Lượng nước. Những loại nước thường dùng để nấu ăn, tinh khiết, không bị ô nhiễm đều có thể dùng sắc thuốc. Thông thường đối với đa số các loại thuốc, sau khi cho thuốc vào nồi (hoặc ấm) cần đổ nước ngập mặt thuốc từ 2-5 cm. Lượng nước chắt ra sau khi sắc xong tùy theo thời gian, độ lửa sắc từng thang thuốc cụ thể. Nếu thang thuốc có nhiều hoa, lá, chất nhẹ xốp cần tăng thêm lượng nước còn thuốc có nhiều loại rễ củ thì giảm bớt nước.

Các vị thuốc khác nhau có các cách sắc riêng: Thuốc khoáng vật cần được sắc trước; các thuốc có tinh dầu như gừng, bạc hà… chỉ nên cho vào sau khi thuốc đã sắc gần xong. Đối với ngũ vị tử, trước khi sắc phải đập giập nhân. Một số thuốc quý (như nhân sâm, sừng tê giác) cần được sắc riêng rồi mới hợp với nước thuốc. Đối với các loại cao thuốc, a giao và mật ong, chỉ hòa vào nước thuốc khi đã sắc xong, uống khi còn nóng.

Tốt nhất là bệnh nhân nên hỏi kỹ lương y bốc thuốc cho mình cách sắc cho từng thang cụ thể.

Cách sắc một số loại thuốc

+ Thuốc bổ: Các thang thuốc này thường gồm các loại củ, rễ cây, xương động vật nên cần sắc kỹ. Lúc đầu đun to lửa cho sôi rồi đun nhỏ lửa. Nước đầu cần đun khoảng 45 phút, nước sau đun khoảng 30 phút.

+ Thuốc giải cảm: Các thang thuốc loại này thường bao gồm các loại cây cỏ như bạc hà, tía tô, kinh giới, hành, gừng… Nếu sắc lâu khí vị cay thơm của thuốc sẽ phát tán mất. Vì vậy chỉ cần đổ nước ngập mặt thuốc từ 0,5-1 cm, đun to lửa cho nhanh rồi rót ra uống ngay. Thông thường, nước đầu đun khoảng 10 phút, nước sau 5 phút.

+ Các loại thuốc khác chữa bệnh nội khoa (chữa bệnh khí, ứ huyết, mát gan, tăng cường tiêu hóa) cần đun to lửa cho sôi mạnh lên sau hạ nhỏ lửa sắc kỹ thêm. Nước đầu khoảng 30 phút, nước sau 20 phút.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
2012 Ấm sắc thuốc bắc bằng điện | Ấm sắc thuốc for Hotline 0977.948.998 Bản quyền: 37 Đỗ Quang, Hà Nội, Giao hàng trong 24h